Vụ việc liên quan đến chuyện Tim Cook phải lần thứ hai xin lỗi người dùng vì chính sách bảo hành khắc nghiệt của hãng này ở Trung Quốc bỗng rẽ sang một hướng mới đầy bất ngờ.
Apple đang trở thành nạn nhân của chính sách bảo hành của họ.
Đầu tháng 4, Tim Cook, CEO Apple, đã viết thư gửi khách hàng Trung Quốc sau khi người dùng nước này chỉ trích Apple chỉ chấp nhận sửa những bộ phận bị lỗi trong sản phẩm chứ không chịu thay mới linh kiện như ở những thị trường khác. Hãng này hứa sẽ điều chỉnh lại chính sách thỏa đáng hơn. Xin lỗi vốn là một hành động rất hiếm khi diễn ra ở Apple.
Tuy nhiên, diễn biến mới đây đã phần nào hé lộ nguyên nhân chính sách bảo hành của Apple ở Trung Quốc lại khác biệt so với các nước khác. Apple cho hay những kẻ lừa đảo đã lợi dụng kẽ hở trong chính sách này tráo để đổi linh kiện giả lấy linh kiện thật, giúp chúng kiếm được những khoản tiền lớn.
Trong số đó, một cửa hàng kinh doanh đồ Apple ở Ôn Châu (Trung Quốc) đã gửi tới Apple những chiếc iPhone 4S chứa bảng mạch mà họ nói là bị hỏng (nhưng thực chất là đồ giả) để nhận được bảng mạch mới hợp pháp. Vào tháng 12/2012, cửa hàng này đã thực hiện trót lọt 121 vụ đổi linh kiện và mãi một tháng sau đó, Apple mới phát hiện ra rằng mình đã "ăn quả lừa".
Cảnh sát đã tiến hành điều tra và ngày 1/4, cửa hàng này đã bị buộc tội lừa đảo và 5 người đã bị bắt giữ. Những kẻ phạm pháp tưởng rằng Apple quá giàu nên sẽ vứt ngay những món đồ hỏng vào thùng rác mà không thèm xem lại.
Song song với quá trình điều tra của cảnh sát, Apple cũng thay đổi chính sách bảo hành rằng họ chỉ sửa chữa chứ không cho phép đổi linh kiện hỏng nữa. Điều này khiến người dùng Trung Quốc tức giận cho rằng Apple quá ngạo mạn, đến cả đài truyền hình CCTV cũng chỉ trích hãng này không công bằng.
Tim Cook đã phải xin lỗi nhằm xoa dịu khách hàng ở thị trường mà họ đánh giá là tiềm năng nhất trong những năm tới. Tuy nhiên, những vụ lừa đảo như trên sẽ còn có nhiều cơ hội để lan rộng.