![]() |
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam (bên phải) cùng công nhân vận hành kiểm tra rò rỉ bình ngưng tại tổ máy số 4. |
Sinh năm 1983, quê Sóc Sơn, Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Điện lực năm 2007, kỹ sư trẻ Nguyễn Ngọc Nam được tuyển chọn về làm lò phó tại Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh. Với tinh thần ham học hỏi, luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chỉ sau 2 năm, anh đã được Công ty tin tưởng đề bạt giữ vị trí lò trưởng, rồi trưởng kíp lò máy và mới đây nhất là kỹ thuật viên phân xưởng lò máy.
Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng ra đời sáng kiến “Hiệu chỉnh lò hơi tổ máy số 1 và tổ máy số 2” và “Các giải pháp nâng cao chân không bình ngưng”, góp phần giúp Công ty tiết kiệm chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng/năm, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam cho biết: Năm 2013, Nhà máy chính thức đưa vào vận hành cả 4 tổ máy. Tuy nhiên, do lắp đặt bằng công nghệ, thiết bị của nhà thầu Trung Quốc nên sau thời gian vận hành, tổ máy số 1 và 2 luôn xuất hiện trục trặc, sự cố ở lò hơi, trong đó có sự cố tắt lửa buồng đốt. Mỗi lần gặp sự cố này, công nhân sẽ mất khoảng 1,5-2 giờ để vận hành lại tổ máy. Không những gây gián đoạn đến quá trình phát điện mà còn gây thiệt hại khoảng 2-3 tỷ đồng/lần cho chi phí đốt than. Để sự cố tắt lò không còn xảy ra là quyết tâm cao nhất của tôi và anh em đồng nghiệp lúc bấy giờ.
Với quyết tâm này, Nguyễn Ngọc Nam đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu lại tất cả các tài liệu và tiến hành điều chỉnh lại chế độ chạy của lò hơi, bằng cách thay đổi vị trí các ban gió. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để tiến hành các điều chỉnh thực nghiệm, trong vòng 1 tháng, kỹ sư Nam đã phải chui vào các vị trí có tiếng ồn lớn, độ bức xạ nhiệt cao lên tới trên 60% như: Vòi đốt than, vòi đốt gió, cửa xem lửa của lò… để tìm hiểu cách thực vận hành, đặc tính và sự kết nối giữa các thiết bị. Sau hàng trăm lần hiệu chỉnh thực nghiệm, các đặc tính, thông số vận hành của lò hơi đã được kỹ sư trẻ Nguyễn Ngọc Nam thuộc như “lòng bàn tay” và “bắt được đúng bệnh”. Chỉ sau 1 tháng nghiên cứu, hiệu chỉnh, tháng 2-2014, lò hơi tổ máy số 1 và số 2 đã chính thức đi vào vận hành ổn định, không còn xuất hiện tình trạng tắt lò.
Tháng 3-2014, một sáng kiến khác của kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam lại được Nhà máy đưa vào áp dụng. Đó là sáng kiến đưa 1 hệ thống vệ sinh ống đồng bằng bi cao su bình ngưng vào làm việc và đề nghị Công ty tiến hành vệ sinh bình ngưng định kỳ 1 tháng/lần (nếu tổ máy tạm dừng hoạt động). Trước đó, đường dẫn nước làm mát từ kênh dẫn nước tuần hoàn Nhà máy bị bồi lắng, dẫn đến xuất hiện nhiều lớp bùn bẩn và làm áp suất chân không bị giảm thấp. Hiện tượng này đã làm giảm hiệu suất chu trình và công suất của tổ máy; không đảm bảo phụ tải max đã đăng ký của tổ máy. Nghiêm trọng hơn, nếu để kéo dài sẽ làm hại đến các tầng cánh cuối của tua bin và rút ngắn tuổi thọ của tua bin, thiết bị có giá trị lên tới hàng triệu USD. Khi đưa vào sử dụng thiết bị vệ sinh ống đồng và vệ sinh định kỳ bình ngưng, hiện tượng bồi lắng không xuất hiện và áp suất chân không bình ngưng đã ổn định ở mức -94 KPA, xoá bỏ hoàn toàn được những mối lo ngại trước đó.
Với 2 sáng kiến trên, mỗi năm, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam đã làm lợi cho Công ty 30-40 tỷ đồng.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn